Theo các cụ cao niên trong làng sen xưa, sen Tây Hồ hay còn gọi là Sen Bách Diệp, có vùng nguyên gốc là khu vực Tây Hồ. Sở dĩ gọi là Sen Bách Diệp bởi trung bình mỗi bông sen tại đây có tới 100 cánh. Nhiều người lại cho rằng, người Tây Hồ cứ dùng “mỹ từ” để “thổi phồng” giống sen này lên. Nhưng, hễ ai thắc mắc, cứ đếm bông sen là ra, bông ít cũng có không dưới 90 cánh, bông nhiều quãng 120 cánh.
Trung bình mỗi bông Sen Bách Diệp có tới 100 cánh
Sen Bách Diệp được xem là một sản phẩm đặc sản cổ truyền của Hà Nội và nổi tiếng với bông to, thơm đượm. Gạo sen (phần phụ của nhụy hoa) có màu trắng to mảy chuyên dùng để ướp trà.
Hương Sen Bách Diệp nhẹ, thơm dịu nên muốn trà sen có vị đượm đặc trưng, phải ướp nhiều lần, hương mới ngậm sâu vào từng cánh trà. Phải qua một lần ngậm hoa, bảy lần gạo, bảy lần sấy mới tạo nên được sản phẩm trà sen truyền thống đúng “gốc” Tây Hồ.
Hoa Sen Bách Diệp là dạng hoa cánh kép, bên ngoài là những cánh hoa lớn, bên trong những cánh nhỏ ôm sát lấy nhụy hoa. Đây chính là đặc điểm cấu tạo hoa đặc trưng của Sen Bách Diệp nhằm giúp hương sen thơm lâu và rất đượm, các gạo sen thì to và căng mọng. Các hạt gạo sen này dùng để ướp được loại trà sen rất thơm ngon đặc trưng của đất Hà Thành.
Người ta bắt đầu thu hoạch sen vào đúng ngày 19/5, ngày sinh nhật Bác
Thao tác ướp trà phải nhanh, mỗi khâu phải có thời gian theo quy định để hương sen không bị bay mất. Vậy nên, trà sen Hà Nội có giá trị cao không chỉ bởi hoa sen Tây Hồ là nguồn gen quý mà còn bởi sự cầu kỳ, công phu trong quá trình ướp chè sen của người dân nơi đây.
Người làm trà thường bắt đầu thu hoạch và ướp trà vào đúng ngày 19/5, ngày sinh nhật Bác và kéo dài đến trung tuần tháng 9 là kết thúc mùa làm trà sen. Với những tinh túy từ nguồn hoa sen và nghệ thuật ướp trà của người Tây Hồ phải những người “tinh” về trà, say mê trà mới thưởng thức được hết vị của trà Sen Bách Diệp.
Theo những nghệ nhân thưởng trà, mỗi khi dâng chén trà sen, vị đượm của trà bắt đầu ngấm vào đầu lưỡi, người ta không chỉ thấy hương trà, hương sen, dường như còn thấy cả hương của đất, của trời Tây Hồ phảng phất